Số hóa di sản văn hóa thế giới tại Hội An, Mỹ Sơn

VHO- Chuyển đổi số, số hóa tư liệu liên quan đến các di sản văn hóa, thông tin hiện vật, di tích, ứng dụng công nghệ trong công tác của các đơn vị chuyên môn tại các di sản Hội An và Mỹ Sơn không chỉ đẩy mạnh cải cách hành chính mà qua đó, còn giúp cho công tác lưu trữ, bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị của các di sản hiệu quả, phù hợp với xu hướng hiện nay.

Số hóa di sản văn hóa thế giới tại Hội An, Mỹ Sơn - Anh 1
 

 Du khách sử dụng dịch vụ Audio Guide tại Mỹ Sơn

Từ đó có thể cung cấp tư liệu chính xác, thuận tiện nhất cho du khách, người dân muốn khám phá, tìm hiểu sâu hơn về các di tích khi tham quan tại Hội An, Mỹ Sơn.

Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An (Trung tâm) cho biết, các tư liệu về Hội An do Trung tâm lưu trữ như bản vẽ ghi, bản dập hoa văn, sách nghiên cứu chuyên ngành, tư liệu Hán Nôm… đã từng bước được scan, số hóa và lưu trữ điện tử giúp cho việc tra cứu trở nên nhanh chóng, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ công tác chuyên môn của đơn vị.

Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tích cực xúc tiến hoạt động chuyển đổi số nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao công tác quản lý, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Hội An. Hiện tại, Trung tâm đã cập nhật vào sổ và scan lưu trữ số 132 hồ sơ cấp phép, 200 hồ sơ di tích ở khu vực I khu phố cổ, 2.166 trang tư liệu Hán Nôm, tạo lập 35 thư mục hình ảnh tư liệu sự kiện văn hóa xã hội trên hệ thống NAS. “Đặc biệt, hiện nay Trung tâm đang xúc tiến các thủ tục để triển khai dự án số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa Hội An”, ông Ngọc thông tin thêm. Trên website của Trung tâm, tại mục “Tư vấn bảo tồn di sản” đã đăng tải danh mục di tích nhà ở, kiến trúc nghệ thuật trong Khu phố cổ; quy trình tiếp nhận, thụ lý và giao trả hồ sơ, các văn bản pháp luật liên quan đến công tác bảo tồn di tích… để người dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu thông tin về công tác bảo tồn di tích được kịp thời, nhanh chóng. Tại trang facebook Di Sản Hội An, Trung tâm đã đăng tải toàn bộ hình ảnh về cuốn sách “Quy chế bảo vệ di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An” và lập mã QR để tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng, độc giả tiếp cận với toàn văn nội dung cuốn sách.

Bên cạnh đó, công tác phát huy di sản cũng được phát triển trên nền tảng trực tuyến như giới thiệu những không gian trưng bày tại bảo tàng chuyên đề bằng những phim ngắn trên nền tảng YouTube, thực hiện trưng bày online “Ảnh tư liệu về mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Hội An - Nhật Bản”, “Một số địa chỉ đỏ của tuổi trẻ phố Hội” trên trang website của đơn vị đồng thời gắn mã QR cho từng di tích này. Với việc gắn mã QR cho 24 di tích “địa chỉ đỏ”, khi tham quan di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn Hội An, người dân và du khách có thể sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet để quét mã QR-Code, tìm thấy thông tin liên quan đến di tích như địa chỉ và lịch sử hình thành di tích bằng tiếng Việt và tiếng Anh…

Số hóa di sản văn hóa thế giới tại Hội An, Mỹ Sơn - Anh 2

Du khách, người dân có thể quét mã QR để tìm hiểu sâu hơn các thông tin về di tích lịch sử ở Hội An

Không chỉ chú trọng công tác số hóa hiện vật, di tích, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (Ban quản lý Mỹ Sơn) đã đẩy mạnh thực hiện, áp dụng công nghệ số vào việc quảng bá, giới thiệu giá trị Khu di sản thế giới Mỹ Sơn đến với du khách, cộng đồng.

Những sản phẩm du lịch chuyển đổi số của Ban quản lý Mỹ Sơn triển khai thời gian qua luôn nhận được sự đánh giá tích cực từ các du khách đã đến tham quan, trải nghiệm thực tế tại Khu đền tháp Mỹ Sơn. “Việc triển khai chuyển đổi số trong hoạt động tham quan du lịch dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, đảm bảo công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản thuận tiện và tốt nhất”, ông Nguyễn Công Khiết, Phó giám đốc Ban quản lý Mỹ Sơn cho biết. Mới đây nhất, tháng 9.2023, đơn vị đã ra mắt và vận hành sản phẩm Audio Guide (Thuyết minh tự động đa ngôn ngữ). Với 40 mã quét QR, 40 câu chuyện về Khu đền tháp, du khách có thể chủ động tìm hiểu nội dung thông tin Mỹ Sơn. Trong tháng đầu tiên thử nghiệm miễn phí, hơn 2.000 lượt khách trải nghiệm sản phẩm này đã đánh giá hiệu quả thực tế, tích cực mà dịch vụ này mang lại. Hiện tại, đơn vị đang phối hợp, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung thêm các ngôn ngữ khác để đảm bảo sản phẩm Audio Guide sẽ có từ 6 ngôn ngữ trở lên phục vụ sự đa dạng thành phần khách tại khu di sản.

Trước đó, đầu năm 2021, đơn vị đã đưa vào hoạt động website 360 để du khách trải nghiệm thực tế ảo các công trình kiến trúc, sơ đồ, lối đi, đền tháp,… với các góc nhìn khác. Tiếp đó, năm 2022, Ban quản lý Mỹ Sơn đã phối hợp với đối tác triển khai xây dựng website thực tế ảo VR360 (tham quan thực tế ảo) cho toàn khu di sản. Trong đó, tích hợp tính năng MC ảo thuyết minh giới thiệu tổng quan bằng nhiều ngôn ngữ, đưa mô hình 3D bảo tàng số lên vị trí Map 3D Bizverse World. Hiện tiếp tục nâng cấp giao diện, tạo không gian triển lãm cho bảo tàng trên metaverse, người xem có thể tham quan từ xa cũng như tương tác tại Khu di tích Mỹ Sơn.

Ban quản lý Mỹ Sơn cũng là một trong những đơn vị tiên phong xây dựng kho dữ liệu quản lý hiện vật Chăm ở Quảng Nam. Từ năm 2003, đơn vị triển khai kiểm kê, mô tả, sao chụp hình ảnh, đánh số toàn bộ hiện vật tại di tích Mỹ Sơn và nhập dữ liệu vào máy tính để theo dõi, khởi đầu cho quá trình số hóa tư liệu Chăm… Ông Nguyễn Công Khiết, cho biết chuyển đổi số dựa trên nền tảng công nghệ sẽ giúp công tác quản lý, phát huy giá trị hiện vật, di tích trở nên thuận tiện, hiệu quả. Do một số yếu tố khách quan nên quá trình số hóa mới chỉ dừng ở mức độ là chuyển từ quản lý bằng sổ sách thủ công sang quản lý trên máy tính. Tuy nhiên, đơn vị xác định việc số hóa hiện vật, di tích là yêu cầu cấp thiết và sẽ tập trung thực hiện. Việc sưu tầm, sao chép, số hóa tư liệu, hiện vật liên quan đến các di sản vật thể và phi vật thể dân tộc Chăm góp phần giúp công tác lưu trữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Champa hiệu quả, phù hợp với xu hướng hiện nay.

 KHÁNH CHI

 

Ý kiến bạn đọc